Tịnh Tông Pháp Yếu
 Kinh Sách
  1. Dẫn Nhập
  2. Hành Trì
  3. Kinh Tụng, Chú Giải, Kệ Tán, Sám Pháp, v.v.
  4. Đọc Thêm


  Thời nay, có người từ bé đến lớn, từ lớn đến già, đến chết, không một lần xem qua [Kinh Phật] – có thể nói là núi báu ngay trước mặt mà không vào vậy.  Lại có một dạng người, mặc dù đọc nhưng chẳng qua là lấy ngôn từ trong đó làm tư liệu để đàm luận, trợ hơi văn – từ bé đến lớn, từ lớn đến già, đến chết, không một lần nghiên cứu nghĩa lý của Kinh.  Có thể gọi là vào núi báu mà chẳng lấy [báu vật] vậy.  Lại có một dạng người, tuy thảo luận, tuy diễn giảng, cũng bất quá là giải từ bán văn, tranh mới đua cao – từ bé đến lớn, từ lớn đến già, đến chết, không một lần chân thật thực hiện, tu hành [theo Kinh dạy].  Có thể nói là cầm của báu để thưởng ngoạn, thưởng giám; ôm vào ngực, cất vào tay áo rồi lại bỏ qua một bên.  Tuy vậy, một khi đã nhiễm vào thức điền, cuối cùng cũng sẽ trở thành Đạo chủng.  Vì thế Kinh Phật không thể không đọc.

Kinh Phật Không Thể Không Đọc - Trích từ Trúc Song Tùy Bút - Đại sư Liên Trì


  Một, lấy "thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm" làm đường lối chung [cho việc] học đạo.  Hai, lấy "Tín Nguyện sâu Trì Danh hiệu Phật" làm Tịnh Ðộ chánh tông.  Ba, lấy "nhiếp tâm chuyên chú mà niệm" làm phương tiện để hạ thủ.  Bốn, lấy "chiết phục phiền não hiện hành" làm việc trọng yếu để tu tâm.  Năm, lấy "giữ vững tứ trọng giới pháp" làm điều căn bản để nhập đạo.  Sáu, lấy "các thứ khổ hạnh" làm trợ duyên [cho việc] tu đạo.  Bảy, lấy "nhất tâm bất loạn" là nơi quy túc của Tịnh hạnh.  Tám, lấy "đủ loại tướng lành" để chứng nghiệm việc vãng sanh.

Tám điều này đều cần phải hết sức coi trọng.  Người tu Tịnh nghiệp không thể không biết.
Ngữ Lục của Đại Sư Triệt Ngộ


  Niệm Phật, tối yếu là để liễu thoát sanh tử.  Ðã vì liễu thoát sanh tử thì đối với nỗi khổ sanh tử, tự sanh tâm nhàm chán; với sự vui ở Tây phương, tự sanh tâm vui thích.  Như vậy thì hai pháp Tín, Nguyện sẽ đầy đủ, trọn vẹn ngay trong niệm ấy.  Lại thêm chí thành, khẩn thiết như con nhớ mẹ mà niệm thì Phật lực, Pháp lực, Tự Tâm Tín Nguyện Công Đức lực, ba pháp đều biểu lộ trọn vẹn; giống như mặt trời rực rỡ trên không, dù có sương dầy đặc, băng đóng tầng tầng, không lâu sau liền tan hết.
Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục
  tinhtongphapyeu@gmail.com