Niệm Phật
|
Đại Sư Liên Trì Dạy Niệm Phật • Niệm Phật to tiếng dễ mất sức, niệm thầm dễ bị hôn trầm. Chỉ cốt niệm miên miên mật mật, tiếng niệm đọng nơi răng, môi, tức là Kim Cang trì. Nhưng lại không nên chấp chặt. Nếu biết mình đã mệt thì niệm thầm cũng không trở ngại gì. Nếu biết mình hôn trầm thì chẳng ngại gì niệm lớn tiếng. Hiện tại, người niệm Phật chỉ là liên tay khua mõ, miệng ong óng gào theo cho nên không được lợi ích gì. Cần phải niệm sao cho từng câu thoát ra khỏi miệng vọng vào tai, từng tiếng đánh thức tự tâm, ví như người đang ngủ mê mệt, có ai gọi lớn tên lên thì người đó sẽ thức giấc. Bởi vậy, điều quan trọng nhất trong việc niệm Phật là nhiếp tâm. • Niệm [Phật] là từ nơi tâm. Tâm nghĩ nhớ [Phật] không quên mới gọi là Niệm Phật. Đại Sư Ấn Quang Dạy Niệm Phật • Một pháp Niệm Phật chính là diệu pháp bậc nhất để bỏ trần lao, quay về Giác, phản Bổn quy Nguyên. Ðối với người tại gia, pháp này lại càng thân thiết. Vì người tại gia, thân trong lưới trần, công việc đa đoan, đối với những việc như nhiếp tâm tham thiền, tụng Kinh trong tịnh thất,... do hoàn cảnh sẽ không làm được nổi hoặc không đủ sức. Chỉ có riêng pháp Niệm Phật là thuận tiện nhất. Sáng tối đối trước Phật, tùy phận, tùy sức lễ bái, trì niệm, hồi hướng, phát nguyện. Ngoài ra thì đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, mọi thời, mọi nơi đều niệm được cả. Nhưng ở nơi sạch sẽ, lúc cung kính thì niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Còn như ở những nơi không sạch sẽ (như vào nhà tiêu chẳng hạn) hoặc nhằm lúc không cung kính (như đang nằm ngủ, tắm gội...) chỉ nên niệm thầm, không nên niệm ra tiếng, chứ không phải là ở những chỗ ấy, nhằm lúc ấy, không được niệm. Nằm ngủ niệm ra tiếng thì không những không cung kính, mà lại còn bị tổn khí, lâu ngày thành bệnh. Công đức niệm thầm giống hệt công đức niệm bình thường. Ấy là: “Niệm ở đâu sẽ ở đó. Ngay thẳng cũng do đấy, mà điên đảo cũng bởi đấy”. • Nếu niệm Phật tâm khó quy nhất thì nên nhiếp tâm niệm khẩn thiết, tâm sẽ tự có thể quy nhất. Tâm không chí thành, muốn nhiếp tâm cũng không được. Nếu đã chí thành, nhưng vẫn chưa thuần nhất thì hãy nên lắng tai nghe kỹ; không luận là niệm ra tiếng hay niệm thầm, mỗi niệm đều phải từ tâm khởi, tiếng từ miệng thoát ra, âm thanh theo tai nhập vào (khi niệm thầm, miệng không động, nhưng trong ấy vẫn có thanh tướng). Tâm và miệng niệm được rõ ràng, tách bạch; tai nghe cho rõ ràng, phân minh. Nhiếp tâm như vậy vọng niệm sẽ tự dứt. Nếu sóng vọng tưởng vẫn còn trào dâng thì dùng ngay pháp “Thập Niệm Ký Số”, dốc toàn bộ sức lực của “tự tâm” đặt vào mỗi câu Phật hiệu thì vọng muốn khởi cũng không đủ sức. Diệu pháp nhiếp tâm niệm Phật rốt ráo này, các vị hoằng dương Tịnh Ðộ trước kia chưa nhắc đến vì căn tánh người thời ấy còn lanh lợi, không cần phải làm vậy vẫn có thể quy nhất. Tôi [Ấn Quang] vì tâm khó chế phục, mới biết cách này mầu nhiệm, càng thực hành càng thấy hiệu nghiệm, chứ không phải là tự tiện nói mò. Xin chia sẻ cùng những người độn căn trong khắp thiên hạ đời sau, ngõ hầu vạn người tu vạn người về. Pháp Thập Niệm Ký Số vừa nhắc đến đó như sau: Trong khi niệm Phật, từ một câu đến mười câu phải niệm cho phân minh, nhớ số phân minh. Niệm hết mười câu lại niệm từ một câu đến mười câu, không được niệm hai mươi, ba mươi câu. Niệm câu nào nhớ câu nấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu thấy khó nhớ cả mười câu thì chia ra làm hai hơi: từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn chưa được, hãy niệm thành ba hơi: Từ câu thứ nhất đến câu thứ ba, từ câu thứ tư đến câu thứ sáu, và từ câu thứ bảy đến câu thứ mười. Niệm cho rõ ràng, nhớ cho phân minh, nghe cho rành rẽ, vọng niệm không chỗ chen chân, lâu ngày sẽ tự được Nhất Tâm Bất Loạn. Phải biết là pháp Thập Niệm này nhiếp vọng giống như pháp “Thập Niệm Sáng Chiều”, chỉ có cách dụng công là khác nhau. “Thập Niệm Sáng Chiều” coi hết một hơi là một niệm, không luận là số câu niệm Phật nhiều hay ít; còn cách này cứ một câu là một niệm. Cách kia chỉ có thể niệm mười hơi vào mỗi sáng, chiều; nếu niệm đến hai mươi, ba mươi hơi sẽ bị tổn khí thành bệnh. Cách này niệm một câu Phật hiệu, tâm biết là một câu; niệm mười câu Phật hiệu, tâm biết là mười câu. Từ một đến mười, rồi lại từ một đến mười. Suốt ngày niệm mấy vạn câu đều giống như thế. Không những trừ được vọng, lại còn dưỡng thần rất hay. Dù niệm chậm hay nhanh, trọn chẳng trở ngại. Từ sáng đến tối, không lúc nào không thích hợp. So với cách lần chuỗi để nhớ số, lợi ích cách xa một trời một vực. Cách nhớ số bằng chuỗi khiến thân mệt, tinh thần động. Cách Thập Niệm Ký Số này khiến thân thong thả, tâm an nhàn. Chỉ những lúc làm việc khó nhớ nổi số thì cứ khẩn thiết niệm. Làm việc xong, lại nhiếp tâm nhớ số, thì những ý tưởng lông bông qua lại sẽ theo nhau gom về chuyên chú nơi một cảnh Phật hiệu. Ðức Ðại Thế Chí nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Người lợi căn chẳng cần bàn đến, còn như bọn độn căn chúng ta bỏ cách Thập Niệm Ký Số này lại mong “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì thật khó khăn lắm thay. Lại phải nên biết rằng cách nhiếp tâm niệm Phật này chính là pháp vừa cạn vừa sâu, vừa Tiểu vừa Ðại, không thể nghĩ bàn. Chỉ nên ngưỡng tin lời Phật, chớ vì mình chưa hiểu đến nơi đến chốn bèn sanh ngờ vực, đến nỗi thiện căn nhiều kiếp do đây phải mất, không thể tự rốt ráo đạt được lợi ích, thật là đáng buồn. Chỉ nên lần chuỗi niệm Phật trong hai lúc: đi hoặc đứng. Nếu tĩnh tọa dưỡng thần, do tay động, tinh thần không thể an, lâu ngày thành bệnh. Pháp Thập Niệm Ký Số này: đi, đứng, nằm, ngồi đều thực hành được cả, nhưng lúc nằm chỉ nên niệm thầm, không được niệm ra tiếng. Nếu niệm ra tiếng thì một là không cung kính, hai là bị tổn khí. Hãy nhớ kỹ, nhớ chắc. • Ðã có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, phải nên chí tâm chấp trì sáu chữ Thánh hiệu “Nam mô A Di Ðà Phật”. Bất luận đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, mặc áo, ăn cơm, và đại tiểu tiện v.v. đều không lìa sáu chữ hồng danh (hoặc trì bốn chữ cũng được). Cần phải niệm sao cho toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm Phật chẳng hai, tâm Phật nhất như. Nếu có thể niệm tại đâu chú tâm tại đó, niệm đến cùng cực, tình mất sạch, tâm không, Phật hiện; sẽ chứng được Tam Muội ngay trong đời này. Ðến lúc lâm chung, sanh trong Thượng Thượng Phẩm, có thể nói là đã hoàn tất sự tu trì đến cùng cực vậy. Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục
|