Tịnh Tông Pháp Yếu
 Dẫn Nhập
  1. Đại Sư Ấn Quang Khai Thị
  2. Pháp Môn Tịnh Độ Thù Thắng
  3. Pháp Sư Tự Liễu Khai Thị


  Lớn lao thay!  Ðiều được pháp môn Tịnh Ðộ chỉ dạy là "Tâm này làm Phật, Tâm này là Phật", chỉ thẳng tâm người.  Nếu vẫn cho là kém kỳ lạ, đặc biệt thì mỗi niệm - niệm Phật chính là thành Phật ngay trong niệm ấy.  Ðộ khắp ba căn, thống nhiếp Thiền, Luật, Giáo.  Như mưa đúng thời nhuần thấm vạn vật; giống như biển cả dung nạp trăm sông.
Tất cả pháp Thiên, Viên, Ðốn, Tiệm, không pháp nào lại không phát xuất từ pháp giới này.  Tất cả hạnh Ðại, Tiểu, Quyền, Thiệt, không hạnh nào lại không quy về nơi pháp giới này.  Chẳng đoạn Hoặc nghiệp, liền được dự vào hàng Bổ Xứ, viên mãn Bồ Ðề ngay trong một đời này.  Chúng sanh trong cửu giới lìa môn này thì trên không thể viên thành Phật đạo.  Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần manh.  Bởi đó, trọn Hoa Nghiêm hải chúng cùng tuân theo mười Đại Nguyện Vương; Pháp Hoa vừa xưng một tiếng liền chứng Thật Tướng các pháp.
[Tịnh Ðộ là] hạnh phương tiện tối thắng nên trong Khởi Tín Luận, ngài Mã Minh bảo là dễ hành mau đến; ngài Long Thọ xiển dương pháp này trong luận Tỳ Bà Sa.  Hậu thân của đức Thích Ca là ngài Trí Giả nói ra Thập Nghi Luận chuyên chí Tây Phương.  Sư Vĩnh Minh là Phật Di Ðà thị hiện, soạn Tứ Liệu Giản, chung thân niệm Phật dẫn tam thừa ngũ tánh cùng chứng Chân Thường, đưa thượng thánh hạ phàm cùng lên bờ kia.
Vì thế pháp môn này cả cửu giới cùng hướng về, mười phương cùng khen ngợi.  Ngàn kinh cùng xiển dương, vạn luận đều tuyên thuyết.  Thật có thể nói là pháp cực đàm của một đời giáo hóa [của Ðức Phật], là đại giáo Nhất Thừa vô thượng.  Không trồng cội đức thì trải bao kiếp khó gặp được. Ðã được thấy nghe phải siêng tu tập.
Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục
  Pháp môn Tịnh Độ trùm khắp cả ba căn, gồm thâu hàng lợi độn, là đại pháp của Đức Như Lai, để mở phương tiện cho tất cả Thánh phàm đều được giải thoát sanh tử, lên ngôi Bất Thoái ngay trong hiện đời.  Với pháp mầu nhiệm đặc biệt này mà không tin không tu, thật là đáng thương, đáng tiếc.

Pháp môn Tịnh Độ lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm Tông Chỉ.
Tín là ta phải tin cõi Ta Bà có vô lượng sự khổ; tin cõi Cực Lạc có vô lượng điều vui; tin ta là phàm phu đầy nghiệp lực, quyết không thể nương cậy vào sức mình để dứt hoặc chứng chơn, thoát sanh tử ngay trong hiện đời; tin Phật A Di Đà có lời thề nguyền rộng lớn, nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài, cầu về nước Ngài, khi mạng chung sẽ được Ngài tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.
Nguyện là ta nên nguyện mau ra khỏi thế giới này, nguyện sớm sanh về cõi vui kia.
Hạnh là ta phải chí thành khẩn thiết niệm câu "Nam Mô A Di Đà Phật", mỗi thời mỗi khắc đừng để tạm quên, tùy theo hoàn cảnh gấp hoãn lập một khóa trình, sớm tối lễ bái trì tụng trước bàn Phật.  Ngoài thời khóa tụng, những khi đi, đứng, nằm, ngồi và làm những công việc không dụng tâm, đều nên niệm Phật.
Lúc ngủ nghỉ phải niệm thầm, không nên ra tiếng và chỉ niệm bốn chữ A Di Đà Phật để dễ nhiếp tâm.  Lại, những khi y phục không chỉnh tề, hoặc giặt rửa, tắm gội, đại tiểu tiện, cho đến lúc đi ngang qua chỗ không sạch sẽ, cũng đều phải niệm thầm.
Chí tâm niệm thầm, công đức cũng đồng như niệm ra tiếng.  Trong những lúc ấy nếu niệm ra tiếng thì chẳng hợp nghi thức và có lỗi không cung kính.  Không luận niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm Kim Cang hoặc niệm thầm, đều phải trong tâm ghi nhớ rành rẽ rõ ràng, miệng niệm rành rẽ rõ ràng và hai tai nghe rành rẽ rõ ràng.
Niệm như thế thì tâm không còn dong ruổi theo cảnh ngoài, vọng tưởng lần dứt, câu niệm Phật lần thuần, công đức rất lớn.
Một Bức Thư Phúc Đáp Khắp Nơi - Ấn Quang Đại Sư
  tinhtongphapyeu@gmail.com